Dấu thiêng ngàn năm

dau thieng ngan nam

Tự bao đời, người Việt ở Bắc Bộ quần cư trong những ngôi làng. Mỗi ngôi làng hằng ôm chứa ngôi chùa phong rêu và xinh xắn như tứ thơ cổ và chính ngôi chùa ấy lại ủ ấm những khát vọng thầm thì truyền đời của người Việt.

Không gian chùa Việt ấm cúng với những pho tượng trầm mặc bằng đất nện với giấy bản, vôi, mật mía hay trấu bện, bằng gỗ mít hay vàng tâm, bằng đá hay là đồng kích cỡ “vừa phải” xấp xỉ hơn kém khổ người thật một chút. Lấp lánh ánh vàng, sơn then huyền hoặc, màu cánh gián duyên thầm, son thắm, son nhì, son trai uyển chuyển trong sắc độ, trắng ngọc hay trắng ngà làm nên bao cung bậc của màu sắc đủ khiến ta ngỡ ngàng khi ngắm thật kỹ, rất thực và phi thực. Mà chỉ là sơn, lót, phủ, hom cốt rồi thếp vàng hoàn toàn thủ công mà đến nay những kiệt tác ấy vẫn còn mãi với non sông, Thật là cách dùng chất liệu và mầu sắc như cuộc rong chơi tạo hình, nhẩn nha mà tinh luyện. Người Việt ở Bắc Bộ thờ Phật theo lối suy tư của thế gian nên điện thờ Phật là tiểu Niết-bàn khai mở nơi cõi thế, vừa trang nghiêm lí Đạo và thấu lẽ tình đời, tượng chơi thì để mộc nhưng khi đã là tượng thờ người Việt ứng xử thật trang trọng. Tượng Phật, Bồ-tát là bậc giác ngộ nên thân thể là Pháp thân thường trụ nên thân được thếp vàng, trên y phục, đồ trang sức, hoa văn trên vạt áo, dây anh lạc hay mũ Thiên quan có điểm xuyết chút vàng không chỉ là đẹp mà có chút vàng thì tượng chóng thiêng hơn… Sắc vàng kim sáng chói ăn nhập với nền sơn nâu cánh gián trầm ấm, sơn son với nhiều cung bậc son trai, son nhì, son thắm và sơn then bóng ngời, nhìn vào sâu thẳm chợt thấy bóng mình thấp thoáng. Tượng Mẫu, Thánh, Ngọc Hoàng, Diêm Vương, Nam Tào hay Bắc Đẩu… thường có trang phục sang và quí của người tầng lớp trên ở đương thời, với tư thế ngồi vương giả, các đồ trang sức, hoa văn không chỉ là trang trí, nó thường liên quan đến lực lượng tự nhiên như một gợi ý về cầu mùa. Tay nghề khai nhãn của các bậc thầy tạo tượng mới kỳ lạ, cứ chơi chơi mà thoắt một cái, lưỡi đục vút thành nếp mi, khai thêm một mí nữa, kéo vừa đủ dài, thuôn hình lá liễu, đủ độ sâu cần thiết, cái đuôi mắt hơi chéo xếch chạy thoải mái ra phía sau mà không đi hết vòm mày cong như trăng non ở trên, người thợ cả buông lưỡi đục sắc bóng xuống cho tâm khảm dâng lên, hóa hồn vào gỗ đá để làm nên trác tuyệt cho muôn đời. Ánh mắt soi rọi nội tâm của tượng Việt luôn đặt điểm nhìn vào chính ta. Cái ánh mắt “nửa trong nửa ngoài” chỉ có ở tượng Việt cứ dõi theo ta dù ta đứng bất kỳ nơi nào gian thờ Phật hay những dặm dài tháng năm rong ruổi của kiếp người thì ánh mắt vừa từ bi, nghiêm khắc và ắp đầy minh triết ấy vẫn dõi theo ta, nhắc ta luôn nghĩ lành, nói thiện và làm việc có ích.

Người Việt không ngắm tượng Phật theo cách ngắm đồ quê kiểng mà họ tâm tình với tượng Phật để mong cầu no đủ, để chia sẻ trăm đắng ngàn cay nơi cõi thế mênh mang, tượng Việt thật gần bởi cái hình dung mang cốt cách người Việt, hình Mẹ Việt tảo tần trong hình Bồ-tát, bàn tay chở che vành nôi, một nắng hai sương nuôi ta từng ngày của mẹ hóa trong ngàn tay ngàn mắt của Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, ông già người Việt ngồi hóng mát thung dung trong tượng đức Thích Ca Mâu Ni ngồi giữa Đại hùng bảo điện, tượng Hộ pháp Kim Cương thì to lớn, tư thế nhẹ và hoạt như biểu hiện sức mạnh thượng võ, gương mặt uy nghiêm nhưng không đe dọa, hiền từ nhưng mạnh mẽ như những anh hùng quật khởi chống thiên tai hay diệt ngoại xâm… Tượng các vị thị giả trong hình hài những bà con mà ta gặp thường ngày đang quấy cám hay cuốc luống khoai, tát nước hay đi chợ phiên đây đó dưới mái hiên, gốc đa, sân đình khắp làng trên, xóm dưới, thật lành hiền và thân thuộc. Trong không gian chùa Việt, cô lặng và mờ ảo, người đến chùa ngắm tượng là để hướng vào tâm mình. Khoảng lặng ở đây là sự vận động vô tận trong tâm thức, kiểm chứng tâm mình theo từng hơi thở, êm lặng bên ngoài để thức tỉnh một đời sống bên trong đang âm thầm vươn dậy.

Tượng Việt thật gần để bầu bạn mà cũng thật xa bởi cái linh hồn từ bi và trí tuệ vô lượng ẩn sâu trong đất, gỗ, đá hay đồng, trầm mặc ẩn ảo trong lấp lánh nhang đèn, mơ màng quện vào khói hương, khoan nhặt từng nhịp mõ, vọng rung với chuông ngân, phiêu sái theo lời kinh, bồng bềnh cùng bao cảm xúc đang dâng lên ru ta về chốn quê xưa phải chăng là cõi đi về?

Mỗi dịp đào phai cúc thắm, trăng khuyết trăng đầy, thiện nam tín nữ lại cùng nhau lên chùa bẻ một cành sen, người già hầu nơi cửa chùa để dọn tâm về bên Phật Di Đà, người khổ đau tìm về với Mẹ Việt trong tượng Quan Âm Bồ-tát. Đã bao đời người Việt gửi trao những âu lo, toan khó, những khát vọng, mong cầu và đã bao đời nhưng pho tượng Việt từ trong u tịch mà vọng theo thế nhân, thấu hiểu bao nỗi lòng trong cõi người ta…

Khi tôi viết những dòng này là khi người ta đã và đang rầm rập xây chùa, tạc tượng, từng ngày những ngôi chùa to lớn mọc lên, những pho tượng khổng lồ trắng muốt ngự trên đỉnh non cao hay sừng sững tựa trái núi ngồi trong chùa như những điều bất khả giải, phải chăng thế là hoành tráng? Vài tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá là nghệ thuật hoành tráng mà tôi đã chiêm ngưỡng là pho Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp chứa cả cõi Sắc giới, Dục giới, Vô Sắc giới, các tầng trời, người, thủy phủ, các châu được Phật giảng trong kinh Trường A Hàm thì người Việt được tái hiện sinh động và cụ thể chỉ trên một pho tượng cao chưa đầy 4m. Chín tầng Tịnh Độ của cõi Tây Phương chỉ trên một cái trục Cửu Phầm Liên Hoa chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) chùa Động Ngọ (Hải Dương), người ta đưa toàn cảnh Vạn Lí Trường Thành lên một hạt gạo hay một cỗ xe ngựa của Nga Hoàng đang phi nước kiệu trên đầu một sợi chỉ mà chôn kim là vòm cổng cung điện, hình Mạn-đà-la Thai Tạng giới của Mật Tông Tây Tạng được vi khắc trên một chiếu khuy áo mà mô tả chín phương trời mười phương chư Phật. Vậy thì to lớn và hoành tráng là hai mệnh đề đứng riêng mà sự nhầm lẫn giữa chúng chỉ có ở những người chưa từng làm nghề và khi sự nhầm lẫn được coi là tiêu chí để tạo tượng thì chúng ta hiểu rằng những người không có nghề nhưng họ có quyền quyết định.

Còn nữa, những pho tượng cổ bỗng dưng được trùng tu, người ta điềm nhiên gạt đi những giá trị thực của tượng với hàng loạt ứng xử lệch lạc đã xô đẩy những kiệt tác tượng Việt thành đồ thờ… thấp cấp, như người ta phủ lên tượng những quỳ vàng giả sống sượng mà chỉ một mùa nồm, mùa hanh của khí hậu Bắc bộ đã bị bong tróc nham nhở, chân dung và da thịt bị quết sơn công nghiệp bệch bạc, sơn nâu trầm ấm đến là duyên kia bị thay bằng sơn chống rỉ do một bàn tay quét vụng, vết sơn chảy rơi còn vương bẩn trên đài sen thời Mạc cổ kính vốn có của tượng. Đó là chưa nói đến việc mất tượng quí ở các chùa là vấn nạn chảy máu di sản. Tất cả những điều đó khiến cho những người có trách nhiệm đang thao thức.

Quay lại với những pho tượng to lớn một cách bất ngờ kia, chúng đang phản ánh điều gì? Khi mà định hướng đi sâu vào trí tuệ và hiện đại là một mệnh lệnh của thế kỷ XXI dành cho con Lạc cháu Hồng? Những tỷ lệ, hoa văn, nét mặt, chất liệu trên tượng có phù hợp với căn cơ của người Việt không? Những pho tượng to lớn, những pho tượng cổ bị sửa sai đi sẽ nằm đâu trong dòng chảy của tượng Việt vốn lấy sự “vừa phải” và tinh tế làm thước chuẩn? Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm vì cớ con cháu? Những câu hỏi cứ xoáy trong tôi, thôi thúc tôi bày tỏ những tâm tư của mình qua những dòng viết chắc chắn còn nhiều hạn chế này, xin các bậc cao minh lượng thứ.■
 
Tài liệu tham khảo:

1. Trần Lâm Biền (2003), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2. Phan Cẩm Thượng (1997), Điêu khắc cổ Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
3. Triệu Thế Việt, (2010) Luận án Tiến sĩ, Nghệ thuật tạo hình tượng nhân dạng thế kỷ XVII trong chùa Việt ở châu thổ Bắc bộ, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Tiến sĩ Triệu Thế Việt
Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật,
Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Nguồn: Tập San Pháp Luân 82

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác