Tâm sự ngày xuân

tam su ngay xuan

Tôi là một du hc sinh hin sinh sng và hc tp ti Nga. Có lẽ với nhng du hc sinh như chúng tôi và c những người con xa quê khác, Tết là ni nim mãi khc khoi. Tết là khi ni nh quê hương, gia đình tha thiết nht.

Tết là lúc mà ở Việt Nam người người sum họp, nhà nhà đoàn viên thì tại nơi chúng tôi ở Tết cũng chỉ là một ngày như bao ngày thường khác, có chăng cũng chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi bạn bè quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức những món ăn Việt Nam, chia nhau miếng bánh chưng, bánh tét ngày xuân.

Vui thì vui đó nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người lại là những cảm xúc khó tả: nhớ gia dình, nhớ bạn bè, người thân, nhớ không khí Tết đầm ấm ở quê hương. Sau khoảnh khắc ngắn ngủi đó mọi người lại trở về với nhịp sống, với công việc hiện tại của mình.

Phần lớn chúng tôi là du học sinh được nhận học bổng nhà nước đi du học. Xa nhà từ cái thuở “ăn chưa no, lo chưa tới” khi mới chập chững bước chân vào giảng đường đại học. Những con người xa lạ từ khoảnh khắc gặp gỡ nhau ở nơi đất khách quê người, lại trở nên khắng khít như những người thân thiết.

Để rồi hằng năm Tết đến lại cùng nhau tổ chức đón Giao thừa với những tiếc mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” và những món ăn “tự biên tự diễn” để phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà tha thiết, khôn nguôi.

 

 

 Những du học sinh Việt Nam đón Tết tại thành phố Kazan, Nga. Ảnh tác giả cung cấp.

 

Chúng tôi mỗi người một việc, người làm phông nền, người đảm nhiệm phần trang trí, người phụ trách làm cây đào, cây mai. Tất cả chỉ mang tính chất tương đối thôi nhưng ít ra mỗi người đều cảm nhận được không khí Tết và vơi đi phần nào nỗi niềm chất chứa trong lòng mình.

Thương nhất là các em nhỏ mới “chân ướt chân ráo” xa nhà du học năm đầu tiên. Nhìn các em mà tôi thấy hình ảnh mình trong đó. Cái Tết xa nhà đầu tiên bạn bè quay quần bên nhau, cùng nhau chuẩn bị đón Tết, cùng nhau nói nói cười cười.

Vậy mà khi thời khắc Giao thừa điểm trên bàn ăn chỉ còn lác đác vài người. Thì ra mỗi đứa đã tự kiếm cho minh một góc để ngồi khóc tu tu. Có đứa tranh thủ gọi về nhà cho ba mẹ mà môi cứ mím chặt như để nén những giọt nước mắt. Để rồi khi nghe tiếng khóc của mẹ ở đầu dây bên kia thị mọi thứ như vỡ òa, nức nở.

Lúc này mới biết, thèm lắm vòng tay ôm của mẹ, ánh nhìn trìu mến của ba và thèm cả không khí Tết của những ngày xưa, khi mình chưa đi học xa nhà. Và sau đó là những hồi tưởng, những ký ức Tết xa xưa lại ùa về trong từng lời kể của mỗi đứa “ở quê tớ thì Tết như thế này…”.

Còn với chúng tôi, những sinh viên năm cuối, dường như nỗi nhớ phần nào được thời gian làm cho nguôi ngoai nên chẳng ai khóc cả, chỉ cười buồn thôi. Và có lẽ cái đích sắp đạt được càng khiến chúng tôi nổ lực hơn nữa, và mong mỏi ngày về hơn bao giờ hết.

Trong số chúng tôi có những anh chị sang đây học cao học, để lại quê nhà hình ảnh cha mẹ, người thân và những đứa con thơ. Có lẽ vì kiến thức, vì con đường công danh, sự nghiệp sau này nên cũng phải dứt lòng mà đi khi cơ hội đến.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh của một chị học tiến sỹ, vừa ôm máy tính vừa khóc rưng rức trong ngày Tết. Thì ra trên màn hình là hình cảnh con chị ấy đang hát cho mẹ nghe. Cứ mỗi lời bé hát là chị lại khóc. Có nỗi nhớ nào khắc khoải bằng nỗi nhớ của mẹ phải xa con.

Cũng có những anh chị đi học xa khi con còn bé quá, mỗi lần gọi về nhà hỏi bé “có nhớ ba/mẹ ko?” mà bé bảo “dạ không, chơi với ông bà vui lắm” là lại cười buồn. Có lẽ bé còn quá nhỏ để hiểu được cuộc sống xa bố/mẹ là như thế nào. Cứ nghĩ tới con là xót lòng không chịu được…

Cũng không ít người trong chúng tôi đi xa mà vẫn ôm ấp một “hình bóng” ở quê nhà. Và cũng không ít mối tình được bắt đầu sau những lần về thăm quê. Nhưng không riêng gì Tết, những dịp lễ khác nữa trong khi người khác có cặp có đôi, có gia đình thì mình lại một mình đơn côi.

Cảm giác đó làm cho con người ta hụt hẫng, để rồi không ít mối tình chia đôi vì khoảng cách không gian và thời gian quá lớn. Người ta thường nói “tình xa cách như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và làm bùng lên ngọn lửa lớn”. Biết là vậy nhưng mà mấy ai có thể đi được tới cái đích cuối cùng khi mà thời gian và sự xa cách có thể làm xóa nhòa mọi thứ. Để rồi Tết đến lại có thêm một điều gì đó khắc khoải tiếc nuối cho những gì đã qua, để cho những câu “giá mà…” lại được bỏ lửng không lời đáp.

Dịp giáp Tết, những lá thư, những tấm thiệp xuân lại mang bao nỗi niềm thương nhớ của chúng tôi gởi gắm cho những người thân yêu. Nhiều lúc chỉ mong sao thư về đúng dip Tết để những yêu thương thêm trọn vẹn.

Với tất cả chúng tôi - những du học sinh xa nhà, đi xa là để tiếp thu những kiến thức mới, những chân trời mới, để học hỏi thêm những điều hay, điều tốt, để rèn cho mình tính tự lập, bản lĩnh, để trưởng thành hơn và để tự hoàn thiện bản thân mình hơn. Và trên hết là niềm tin về một tương lai tươi sáng đang chờ đón mình phía trước, để rồi cùng nhau góp sức xây dựng quê hương.

Cảm xúc nhung nhớ dù chỉ thoáng qua hay chất chứa mãi trong lòng thì đằng sau đó vẫn là nghị lực, là niềm tin, là sự cố gắng không mệt mỏi, là nỗi niềm mong ngày hoàn thành, trở về để được đón Tết bên cạnh gia đình, bạn bè, người thân. Để những mùa đông sẽ không còn lạnh nữa!!!

Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối
Suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa xuân
(bài hát Thư Xuân Hải Ngoại-Trầm Tử Thiên)

Xin gửi tới mọi người lời chúc xuân hạnh phúc, may mắn và bình an!

Nguyễn Thị Thúy An

http://vnexpress.net

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác